Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Những kỷ niệm thơ của Lê Kim Giao với Đồng Đức Bốn

Ảnh từ báo Tiền Phong

Khoảng năm 1992, họ gặp nhau trong một cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ, cùng không được giải nhưng sau khi trao đổi thơ, bỗng thấy giữa hai người bạn trai này có rất nhiều đề tài giống nhau, cách thao diễn mỗi người một vẻ , nhưng hồn thơ khá đồng điệu, chất lượng thơ lục bát và thơ tự do có nhiều “độ căng “ giống nhau, họ đã coi nhau như cơn gió dữ dội trong thi ca lúc đó, họ trở nên thân quý nhau, cùng thương xót cho những thất bại không đáng có của bạn mình, họ vui mừng khi thấy một người thành công, dù nhỏ, dù to...Xin ghi lại ở đây một vài kỷ niệm.


1. CÂY THÁP NƯỚC BỎ KHÔNG Ở TRUNG TỰ KIM LIÊN

Không rõ vì sao ở khu tập thể Kim Liên, cây tháp nước lại không chứa được nước, để phục vụ cho cả một khu tập thể đông đúc, nó chỉ còn là nơi ẩn trú của đàn chim lợn khổng lồ, thường kêu với giọng bi thương hơi ma quái, vào những đêm tối trời, còn ban ngày, nó hắt bóng nghiêng nghiêng xuống những kẻ tình nhân đang hò hẹn nhau bên vệ cỏ.( hồi đó còn có những vạt cỏ mà bây giờ kín mít những nhà cao tầng ).

Đồng Đức Bốn viết:

Nhà em ở giữa phường Trung Tự

Cây tháp nước bỏ hoang còn nhớ chỗ ta ngồi

Cỏ nát rồi, cỏ mới lại sinh sôi

Hoa cứ gợi một mùi hương đằm thắm

Và tôi tin một ngày gần lắm

Em bỏ chồng về ở với tôi

Đó là các câu kết chính thức in trong tập đầu tay Con ngựa trắng và rừng quả đắng, nhưng rất tiếc ở tuyển tập khổng lồ 1000 trang cuối đời Đồng Đức Bốn là Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc ( CMV và HCĐ ) lại bỏ tất cả các dòng này ( trang 226)

Bốn lại đã viết ;

Bây giờ em đã sang sông

Để tim tôi búp sen hồng bỏ rơi

Thì Lê Kim Giao từ 1989 ( trước cả khi tập Con ngựa trắng...của Bốn được in) anh đã viết :

Thế rồi Tháp nước bỏ không

Bằng lăng tim tím chiều mong mong chiều

Em còn ngài ngại lời yêu

Nắng nghiêng nghiêng nắng , lòng xiêu xiêu lòng

Mây thì hun hút trên không

Tháp như một trái tim hồng bỏ quên...

( Trang 28 tập Dịu dàng- THƠ của Lê Kim Giao )


2. CHỢ BUỒN VÀ CHỢ RỒNG

Trang 44 ( CMV và HCĐ) Bốn viết :



CHỢ BUỒN

Chợ Buồn đem bán những vui

Đã mua được cái ngậm ngùi chưa em

Chợ Buồn bán nhớ cho quên

Bán mưa cho nắng bán đêm cho ngày

Chợ buồn bán tỉnh cho say

Bán thương suốt một đời này cho yêu



Tôi giờ xa cách bao nhiêu

Đem thơ đổi lấy những chiều tương tư



Trần Đăng Khoa đã nhận xét ( như thể nhân danh một nhà phê bình ): Bài thơ có kỹ thuật viết rất cao , thợ bậc 7 trên 7 nhưng chỉ là mạ vàng đất thó...anh cho rằng bài thơ không có căn cứ tình cảm thật , chỉ khéo khẩu cho hay mà thôi...

Có lẽ lâu rồi Khoa không biết yêu ...nên không để ý thấy hai câu cuối cùng chính là lý do thất tình khiến tác giả kêu lên những lời vu vơ cay đắng...Theo tôi, đó chính là một bài thơ toàn bích , nằm trong những bài hay nhất của Đồng Đức Bốn.

Trước thời gian Bốn viết bài này, Lê Kim Giao trên xe ô tô cùng Hội văn học Hà nội đến thăm Nam Hà , đã ứng tác từng câu bài Chợ Rồng, nhà thơ Hồ Minh Hà thuộc ngay từng câu, khi đến Nam Định đọc thơ, còn nhắc cho Giao vài chữ...



CHỢ RỒNG

Chợ Rồng bán rắn mồng năm

Bán mây mồng bẩy bán trăng mồng mười

Chợ Rồng bán trứng Rồng tươi

Sao em nói dối cho người mê say

Anh từ Hà Nội vào đây

Chợ Rồng em bán ...cái này cho anh !

Bán thỏ chậm bán rùa nhanh

Bán ăm ắp với sạch sanh cho trời

Như tan làm một người ơi !

Như giông gặp bão giữa trời bão giông

Như cá gặp nước giữa đồng

Như mây ôm ấp bụng rồng giữa mây

Như là em gặp anh đây

Chợ Rồng bán tất cả ngày cho đêm


Chợ Rồng bán Anh cho Em...


Nữ nghệ sĩ Kim Liên của Nam Hà rất thích bài này, nói:

Xin anh Giao bài này để em hát chầu văn...”

Mấy tay nghịch ngợm đùa nhả:

- Thì Kim Liên bán ...cái này cho Giao...cả hội trường cười vang !



3. GÓC VƯỜN HOA CHÉO MAI XUÂN THƯỞNG-Hà Nội

Ở nơi đó các người dân ở khắp mọi miền từ Cà Mâu đến Nam Quan, ai có điều gì oan ức , họ hay đến nằm ngủ, đợi đưa những đơn kiện cho các đại biểu Quốc Hội...

Hôm đó cả bọn năm người bạn thơ cùng về nhà NKK ở phố Thụy Khuê , gần nhà Lê Kim Giao chơi, lúc đi qua góc vườn hoa chéo ( hình tam giác ) thấy có rất nhiều các tấm ni lông đủ màu, che sương cho những người đang đợi kiện...các tác giả thơ, họa đều thấy mủi lòng xúc động.

Trong đêm đó, nhà thơ , họa sĩ Xuân Cường đã hoàn thành xuất sắc bức vẽ chân dung Đồng Đức Bốn bằng sơn dầu, ( nay vẫn còn đang treo trong nhà ĐĐBốn ) thì Lê Kim Giao viết bài



Ở GÓC VƯỜN HOA

Con kiến mà kiện củ khoai

Con sâu nằm dưới tượng đài kiện hoa


Miền Nam mấy mẹ vừa ra

Ngả lưng ở một ngôi nhà không tên

Muỗi thì cứ đốt vào đêm

Người thì chăn phủ bên thềm làm hoa

Tấm thì đỏ tựa chu sa

Tấm thì loang lổ như tà áo nâu

Tí ơn Mẹ đội lên đầu

Khối oan Mẹ nuốt vào sâu tiếng cười

Lạy trời mưa bấc đừng rơi

Yên lành Mẹ ngủ rối bời đất quê


Ôm em ghế đá nặng nề

Tiếng hôn ngỡ tiếng cóc về nghiến răng


Bài thơ đã được ông Trinh Đường tuyển chọn vào 100 bài thơ hay của Thế Kỷ tập 2.., nhưng khi ông mất , bài thơ bị bỏ , không ai in , không ai đả động đến ...còn vườn hoa thì vẫn loang lổ các tấm ni lông đợi kiện đến tận bây giờ...

Trong lúc đó, trong bản trường ca của Đồng Đức Bốn ( được giải Báo Quân Đội ) đã viết

Cóc vẫn kiện trời bên vườn hoa chéo...

Khi Lê Kim Giao viết tiêu chí 6 điểm cho một bài thơ ( mà Trần Mạnh Hảo cũng gửi thư tán đồng,) thì Bốn viết:

Cái chết là tiêu chí của Thơ

4. NHỚ THỤY KHUÊ

Chính vì sự đồng điệu trong tư duy nghệ thuật , nhất là khi phải giãi bầy trong Thơ thế sự những niềm trắc ẩn lớn lao...họ coi nhau như cùng một luồng gió trong cơn bão , không phải vô tình mà Bốn viết:



NHỚ THỤY KHUÊ

Nhớ Giao là nhớ Thụy Khuê

Nhớ con đường bão đi về trong thơ

Nhớ hương sen ở Tây Hồ

Nhớ Giao rồi lại bơ vơ nhớ mình

Thụy Khuê trong nắng thủy tinh

Con sông Tô Lịch hết mình chảy qua

Bụi bay trắng dốc Ngọc Hà

Có ai thương bụi như là tôi không

Tôi đi về phía cơn giông...

Bài thơ đã được in trên báo như vậy, nhưng khi dự giải thơ của báo Văn Nghệ, do yêu cầu của ai đó ban biên tập , đã đổi chữ Giao thành chữ em ! .Bài thơ được giải

Giao đùa:

Đổi Bạn để lấy một giải thơ ...đáng lắm chứ ??



5. ÁM ẢNH DỊU DÀNG

Một trong những bài thơ đặc sắc của ĐĐBốn khi gặp một người con gái tật nguyền là bài

SƯƠNG MÙ VÀ CÔ GÁI GÙ:

Nửa đêm trời đặc sương mù

Nửa đường có một gái gù lang thang

Nửa trời như mới bỏ hoang

Nửa tôi và nửa bẽ bàng theo em

Nửa trời còn lại bóng đêm

Nửa em như chiếc trăng lên muộn màng

Trời mù sương không biết tan

Dẫu em chắng có dịu dàng cho tôi

Bốn khao khát sự dịu dàng cho mình và cho cô gái tật nguyền



Lê Kim Giao thì lại thành danh bởi bài Dịu dàng


DỊU DÀNG


                 Có ai bán cái dịu dàng

       Anh mua một gánh tặng Nàng làm duyên

                                     Tặng em N. 1989



       Dịu dàng là cánh chim câu

Bay lên mà chẳng làm đau khoảng trời


       Dịu dàng là áng mây trôi

Lững lờ mà chẳng hẹn người về đâu


       Dịu dàng là ánh trăng thâu

Lúc vui thêm đẹp khi sầu càng xinh


     Dịu dàng là men của tình

Nhắp môi đầy uống cả bình lại vơi


                  **
                   *

       Có ai tìm nấm mồ Tôi

Chăc rằng sẽ gửi ở nơi dịu dàng

Nhiều lần thi hoa hậu Báo Tiền Phong cứ lầm đó là câu ca dao, thậm chí tháng 10-2005, anh Lại Văn Sâm trong chương trình Ai là tỷ phú còn gọi 2 câu ấy là ca dao cổ !?

Sau đó, khi tác giả LKG gửi thư ...kiện , Đài Truyền Hình ( Cụ Hồng Cư ) đó phải cho in lời xin lỗi trên Báo Truyền Hình VN số76 tháng 4/2006... và thế là lần đầu tiên Giao được Đài VTTH Việt Nam VTV3 chính thức xin lỗi và công nhận.

Ngoài ra LKG còn sẵn sàng giới thiệu những dòng thơ hay của các bạn thơ dù có ít chút tật nguyền...


6. HOÀNH TRÁNG

Lúc ĐĐBốn làm đêm thơ nhạc ở Hải Phòng , LKG viết bài “ Đêm nhạc thơ “ và “ Người Thơ “ ngay trên ghế khán giả , lúc đó trên sân khấu dựng một bức chân dung khổng lồ vẽ mặt Đồng Đức Bốn to phải đến 30 m2!!

Trên xe về Hà Nội trong đêm , Giao nói với Xuân Cường và Nguyễn Huy Thiệp :

” -Cả Hà Nội không ai sánh nổi độ hoành tráng này,! “

Thiệp cười:

- Ông nhầm rồi! Phải thay chữ Hà Nội bằng chữ Việt Nam..

Anh ta còn nói đùa đại ý kể cả chân dung các cụ ABC...cũng chưa chắc đã to bằng...

Trong lời tựa cho tập DỊU DÀNG-THƠ, của Lê Kim Giao, Bốn đã viết những dòng cảm động

UỐNG RƯỢU VỚI LÊ KIM GIAO

I . Chiếc cốc ta cầm cao

Cái đầu thì dâng thấp

Đời ngắn qua thôi đừng sống gấp

Nào..ta uống nhau


Niềm vui là nỗi đau

Chắt từ hoa cỏ độc

Lọc từ trong bão lốc

Ta uống vào trời xanh

Sương Hồ Tây lonh lanh

Liễu buồn ngơ ngác gió

Hồn ta nằm dưới cỏ

Thơ tìm ta trong men



II. Uống rượu với Lê Kim Giao

Một chiều ở góc vườn đào cuối năm

Rượu chưa rót vẫn sủi tăm

Rượu chưa uống đã say nằm lên nhau

Hai người hai trái tim đau

Hai hồn thơ nối nhịp cầu ban mai

Mặc cho bụi mặc cho gai

Mặc cho dao của những ai giết mình


III . Nhà bạn không rộng mông mênh

Mà tôi thấy nắng chênh vênh vẫn vào

Nhà bạn tôi thấy không cao

Mà chứa cả sóng xôn xao Tây Hồ

Nắng và lửa ở trong thơ

Bạn ngồi viết cái vu vơ cho Đời

Máu và nước mắt nụ cười

Bạn ngồi viết DỊU DÀNG ĐỜI cho Thơ


Thơ bạn như mùi hương vờ

Không thơm chọn cửa không nhờ áo ai

Thơ bạn như rừng cây gai

Giữ cho hương chẳng tàn phai bốn bề


Mây héo xuống đường Thụy Khuê

Ai đi thì vấp ai về thì trơn




Còn Lê Kim Giao thì viết về Đồng Đức Bốn:



Thơ bạn như bếp của Trời

Ai hun thì xé phận người mà hun

Thơ bạn như lưỡi dao cùn

Đứt thì chẳng đứt đã run rảy lòng

“ Đừng buông giọt mắt xuống sông

Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm “

Rõ ràng họ có sự tôn trọng giá trị nghệ thuật của nhau một cách chân thành , điều này sao mà ít gặp đến thế giữa các nhà thơ ??



Về độ hoành tráng và có duyên với các lễ hội thì Lê Kim Giao luôn luôn gặp may:

Lời mở Trống Hôi Thăng Long của anh được phát vào ngày đại lễ 1-10-2000


Lời mở trống Hội Thăng Long


Nhớ ngày ấy



Ngũ sắc mây thiêng, lòng trời rộng mở

Thấp thoáng Phong Châu : voi trắng , trống đồng

Hồn Lạc Việt muôn năm về tụ Hội

Đại La xưa bay một bóng Linh Rồng


Để hôm nay


Thiên kỷ Việt ngàn năm trang sử mới

Đất trời Nam rung

Trống hội thăng long !

Trước Đại lễ thấy phát hành hàng vạn đĩa thơ văn Nghìn năm thăng Long, luôn luôn có bài 1 là Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ, bài 2 luộn là Lời mở Trống Hôi Thăng Long của Lê Kim Giao ..đó là điều đáng mừng cho tác giả, đã đưa đến cho dân Việt một áng hùng văn


7. HẠNH PHÚC CỦA CÁC NHÀ THƠ LÀ GÌ??

Đó là đề tài họ thường trao đổi

Về lâu dài , dĩ nhiên là họ mong ước có những bài thơ, bản nhạc...bất tử với thời gian , nhưng còn trước mắt?

Đó có lẽ là : Tìm được một người bạn thơ hồng nhan tri kỷ

... Có một ông vua Thi sĩ, yêu một mỹ nữ, cho cô nhiều vàng, không may cô ấy cũng võ vẽ làm thơ, khi nhà vua đọc câu thơ hay của mình, cô không biết thưởng thức .Ông mang nàng ra chém....

Các nhà thơ đều hay nghĩ về cái chết của mình, Bốn là người có linh cảm về chuyện ấy, anh đã viết ngay khi còn đang rất khỏe mạnh

Chỉ mong ngày ấy mưa to

Bàn chân em có ngại dò đường trơn

Hoặc:

Tôi giờ về với trăng sao

Xin Trời một trận mưa rào đón tôi

Và quả vậy, phút hạ huyệt đưa anh xuống đất, về trời , bỗng có một trận mưa to trút nước khiến các bạn anh phải dâng cao vòng hoa tang lên đầu che mưa, nhìn xa cứ ngỡ họ dâng hoa tiễn hương hồn một thi sĩ đa tình bay lên trời cao..

Tuy vậy Lê Kim Giao vẫn buồn rầu cho bạn vì lẽ cho đến lúc ấy vẫn chưa có một nữ thi sĩ nào xứng tầm yêu anh, khóc anh bằng giọt thơ ngàn năm...

Nếu có con người ấy, tình yêu ấy, tác phẩm ấy sẽ có giá trị vô giá với tất cả các người con gái sẽ yêu các nhà thơ hôm nay và mãi mãi



Phút ấy LKGiao viết:

Một mai về cõi vĩnh hằng

Động trời động biển sao bằng động em

Sông thơ người chật như nêm

Chậm thôi hoa trắng một miền tri âm...

Vì sao hoa trắng ?

Có thể vì vẫn chưa có bạn tri âm...


8. VUA HAY KHÔNG VUA?

Đồng Đức Bốn và vài bạn thân của Bốn có một sự sai lầm thú vị khi tự cho Mình là...VUA:

Vua thơ lục bát, vua văn xuôi, vua thơ phồn thực..v v .

Một thời đã mặc áo vua

Vẫn thường lấy cái dây dưa buộc mình...

Đó là một ngây thơ đáng yêu hơn là đáng trách...

Bởi lẽ Thơ luôn đòi hỏi người viết phải Mơ , tỉnh quá lại dở, có điều nếu anh huênh hoang sẽ vấp phải nhiều khi khó xử, rồi tức giận vô lối, và rất hay mất bạn vì đơn giản chính những người bạn ấy cũng có niềm tin ngây thơ như anh:

- Tôi nhất và các vị khác nhì...!!

Sẽ có cảm giác như đang tranh nhau chỗ đứng trên mũi nhọn một ...cái gai ! !

Bốn vốn thích gai:



Suốt đời sống trên ngọn gai

Chỉ khao khát chết xem ai thương mình?



Giao kể với Bốn cũng có lúc mình nghĩ như vậy, rồi bỗng gặp một cô bé con viết chơi hai câu

Cây cỏ bật đèn xanh

Trời rẽ sang mùa hạ

Mình chợt thấy như cô ấy viết hay hơn mình ở văn cảnh này...

Vậy nếu mình là Vua thì cô ấy là gì nhỉ ?. Chịu! ..Hình như Khổng Tử và Hạng Thác cũng có một cuộc tao ngộ như vậy

Có lẽ ĐỈNH CAO LÀ MỘT MẶT BẰNG, MẶT BẰNG VĨNH CỬU TRONG TRÍ NHỚ CỦA MỌI NGƯỜI...

Ai lại nói : Nguyễn Du hơn Hồ Xuân Hương..hay ngược lại??


9. NỢ

Các nhà thơ thường nợ đầm đìa !! Xưa nay vẫn vậy

C.là một phụ nữ yêu Bốn, đón chàng về sống với mình vài tháng, rồi chia tay . Hình như có chuyện nợ nần tiền nong gì đó.

Khi Bốn mất, C . gọi điện cho Thầy Giao, ( cô là học trò cũ ) hỏi thăm chuyện buồn và lúc ấy mới cho biết : Anh Bốn còn nợ em 200 triệu, có lần em cùng chị ruột đến tận gần nhà anh Bốn, bà hàng nước chợt hỏi :

Chị đến đòi nợ anh Bốn à ? Gần đây tôi thường thấy nhiều người đến đòi nợ ...em buồn rầu bỏ về không vào nhà nữa...Đó là lúc hàn vi, còn bây giờ anh ấy giàu có thì lại mất sớm,,,

LKGiao tin cô học trò không thể nói sai, an ủi cô:

“ Thôi chuyện đã xảy ra vậy, em hãy nghĩ theo hướng khác ...Anh ấy là một thi sĩ hiếm có của đời nay và có lẽ của cả đời sau, ví thử bây giờ có một phụ nữ nào yêu Thơ, muốn sống với anh ấy một ngày thôi, một giờ thôi...thì dẫu bạc tỷ cũng là không thể..Em hãy tin rằng trong những dòng thơ xuất thần của Anh ấy có cả chút đóng góp của Em...

Còn món nợ ấy, chính anh cũng cảm thấy băn khoăn, nếu được một giải lớn về Thơ ca , anh nghĩ mình ( hoặc một nhà thơ nào đó )..sẽ trả nợ giùm cho Bốn..



Chính vì hiểu Đồng Đức Bốn sâu sắc đến vậy nên bài Trước mộ Bốn Thơ, anh mở đầu:

Hôm nay thơ đã về trời

Bao nhiêu khách nợ đứng chơi trước mồ...

Và kết anh viết:

Tôi thành con nợ đứng phơi trước mồ



Thật chua xót và buồn sâu! Tuy nhiên anh muốn hướng người thơ đến các món nợ văn chương mà các hồn thi sĩ luôn lo đền trả: Nợ hồ, nợ núi, nợ sông, nợ tình...


TRƯỚC MỘ BỐN THƠ

Bốn Đồng, Bốn chục, Bốn trăm

Thì vàng thì bạc cho bằng Bốn Thơ



Hôm nay Thơ đã về Trời

Bao nhiêu khách nợ đứng chơi trước mồ

Mới đầu là cánh nợ hồ

Trả Gươm, Ba Bể, Cô Tô đòi thuyền

Ngọn gai đòi món nợ duyên

Núi nhào sông cháy đòi đêm trăng vàng

Mưa tầm tã mưa làng nhàng

Chim nào kêu một tiếng hoang về Trời

Chín xu đổi lấy em tôi

Một hào đổi lãi một đời tình thơ


*

Hôm nay Mẹ chẳng ra mồ

Mẹ nằm nghe gió gọi hờ tên con

BỐN ơi!.. Cứ đến đầu non

Treo câu thơ chỗ trăng mòn gốc đa



Hôm nay trời khóc mưa sa

Lễ Tình Yêu- một món quà tặng anh

Tôi đi nhìn Bốn vòng quanh

Để tìm một khách nợ tình lòng tôi


*

Hôm nay Thơ đã về trời

Tôi thành con nợ đứng phơi trước mồ...



LÊ KIM GIAO


10. TUYỂN TẬP

Tuyển tập Lê Kim Giao: 505 trang Thơ Văn Nhạc: DỊU DÀNG – THƠ ( năm 2002)

Tuyến tập Đồng Đức Bốn: ( năm 2006 ) :Chim mỏ vàng và Hoa cỏ độc , 1107 trang Thơ, cùng các bài bình... và ca khúc các nhạc sĩ phổ nhạc ( Bốn không biết viết nhạc, truyện ngắn...)

Năm 2002, LKGiao chuẩn bị in tuyển tập, mời Bốn đến nhà, vợ con vắng cả, mấy buổi liền, hai chàng trải 3 chiếc chiếu xuống đất,bày đặt vài ba trăm bài thơ kín chiếu, xem xét, chuyển dịch bài nào vào khu vực nào...trước hay sau..để gây hiệu quả tốt nhất

Cách chia chương mục và những bài đầu chương là điều Giao rất tâm đắc, Bốn cũng tán thành . Biên tập thơ từng bài không đạt được nhất trí, Bốn muốn gạt đi rất nhiều bài , Giao xin bảo lưu ( in tất )

Chỉ riêng một bài Bông hoa trên tàu Giao đồng ý với Bốn chuyển dịch vị trí các khổ thơ , gây ấn tượng bàng hoàng...

Một người học trò của Lê Kim Giao là anh Đinh Thế Hồng ( Ninh Bình ) xin tài trợ 30 triệu cho thầy giáo...in thơ vì chính anh cũng rất thích và tin tưởng ở giá trị nghệ thuật của tập thơ, .

Hôm Nguyễn Huy Thiệp viết xong lời giới thiệu tập thơ, lấy cái tên rất giật gân là :

Lê Kim Giao – Tên nghiện Văn chương, đem in luôn ở báo Tiền Phong..., anh Hồng rất vui mừng, anh làm một bữa tiệc mời được Anh Thiệp lại cùng chúc mừng...



Buổi ấy thật vui...nhưng không ai ngờ chỉ một tháng sau, chưa kịp giúp thày in, anh Hồng đột quỵ đúng ngày 9-8 âm , ngày hội chọi trâu ở Đồ Sơn.,

Lúc ấy LKGiao ở sới chọi trâu,đang viết dở bài thơ” Lời Trâu chọi Đồ Sơn “, đang bí câu kết , chợt thấy cô bạn gái khóc thương số mệnh của Trâu Vô Địch ngày mai sẽ chết ...anh rùng mình và câu thơ vụt đến , mà sau này anh tin rằng đó là hồn thiêng

Đừng khóc nữa kìa em – Ta hiến cả

Xương , máu, tình yêu dâng vía đất hồn sông

Không kinh phí, anh đã định bỏ in, nhưng người vợ can đảm của anh đã quyết vay cho chàng 2000 đô la để in thơ

Về sau bán thơ kể cũng đủ trả nợ nhưng...do Giao bốc đồng, khoan khoái, lại mê gà chọi ..chàng đã tiêu phí gần hết...! Lại người vợ còng lưng trả nợ.

Ai bảo là Giao hơn gì Bốn??

Tháng 11 năm 2002, Bốn cầm tập DỊU DÀNG – THƠ của LKG dày dặn 505 trang , đặt bên cạnh ba tập thơ mỏng mảnh của Bốn, anh ta xúc động , ra một tuyên ngôn:

- Ông cứ yên trí đi, (!) Tôi sẽ in một tập dầy 1000 trang, nặng 3ký , cho ông xem!!

Giao cười, không nhường nhịn:

- Dù ông có cả một vạn trang, lấy đâu ra truyện ngắn, hoặc ông tự viết ca khúc như tôi được...?

Bốn bực lắm ... nhưng mấy năm sau, khi Bốn in xong tập thơ khổng lồ Chim Mỏ Vàng và Hoa Cỏ Độc rất dầy, rất đẹp, rất hoành tráng, Giao cũng phải trầm trồ ước mơ và thành thực chúc mừng Bốn...



11. VÀI Ý VỀ NGHỆ THUẬT THƠ ĐỒNG ĐỨC BỐN

Tôi không muốn mổ xẻ phân tích nghệ thuật thơ của bất cứ ai vì tin rằng nó vô nghĩa...Hãy để độc giả cảm ngận bằng tất cả các giác quan của mình, thậm chí cả giác quan thứ sáu là Linh cảm...

Chỉ nên nói một chút cảm giác của mình khi đọc Thơ DĐBốn:

a. Minh triết:

Anh ở giữa sự minh bạch đến táo tợn và sự vô lý của kẻ say

b. Tâm hồn thơ của anh là nằm giữa trẻ thơ và lọc lõi

c. Nghệ thuật chữ của anh nằm ở giữa sự chính xác , khai mở và sự lỏng lẻo của văn phạm thơ

Chính các điều đó làm thơ anh khó bắt chước

Chỉ đưa một ví dụ cho những ai thích viết thơ:

( chú ý đã nhện là cách hành văn lỏng lẻo...)

Người ơi em vẫn đợi chờ

Sông sâu đã nhện nhả tơ bắc cầu



12. TRÊN GIƯỜNG BỆNH VÀ PHÚT CUỐI CÙNG



Ngày 5-5-2005 Bốn gọi điện thoại cho Giao, báo tin dữ :

-“ Ông Trâu vàng ơi! Tôi sắp vĩnh biệt ông đây .,.. ung thư độ ba....”

( Tạm biệt Trâu Vàng là ca khúc rất thành công của Lê Kim Giao dịp Seagame 22 , dù đã bị tranh công...chuyện này sẽ nói sau )

Giao tin ngay, hoảng hốt, vội vã đến nhà nghỉ Hoa Hồng , trước mắt anh là người bạn thân dáng vẻ phờ phạc, thất sắc, hang chục hạch nhỏ nổi lên trên cổ , cổ phồng to, ngực của Bốn chi chit các vết vẽ để chuẩn bị Xạ...

Ôi! Điều nguy kịch đã gần kề

Trong nước mắt, Giao viết ngay bên cửa sổ:


CHẦM CHẬM DỊU DÀNG



Bốn ơi! Chầm chậm –dịu dàng

Hoàng hôn bay cánh ngựa hoang giữa chiều

Bốn ơi chầm chậm phiêu diêu

Lửa đồng đang đốt cánh diều thành Trăng



Một mai vào cõi vĩnh hằng

Động Trời, động Biển..sao bằng động EM



Sông Thơ người chật như nêm

Chậm thôi hoa trắng một miền tri âm

“ Đừng buông giọt mắt xuống sông

Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm

Bốn nén đau, cầm bút xóa bốn chữ lửa đồng đang đốt ..thay bằng bốn chữ : Chăn trâu đốt lửa...và nói thêm! “ Hy vọng bài thơ sẽ có giá trị cao...”

Xin in như ý sửa của Anh

CHẦM CHẬM DỊU DÀNG



Bốn ơi! Chầm chậm –dịu dàng

Hoàng hôn bay cánh ngựa hoang giữa chiều

Bốn ơi chầm chậm phiêu diêu

“Chăn trâu đốt lửa” cánh diều thành Trăng



Một mai vào cõi vĩnh hằng

Động Trời, động Biển..sao bằng động EM



Sông Thơ người chật như nêm

Chậm thôi hoa trắng một miền tri âm

“ Đừng buông giọt mắt xuống sông

Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm



Bảy tháng sau là quãng thời gian đầy cảm động của thi sĩ Đồng Đức Bốn . Anh viết ngay trên giường bệnh 23 bài thơ tuyệt mệnh, dốc chút sức tàn cố hoàn thành bản tháo cho tập thơ khổng lồ 1107 trang , kịp in trước khi chết quãng nửa tháng.

Anh mất vào đúng ngày 14 tháng 2 năm 2006, ngày Lễ Tình Yêu

Cơn mưa lúc hạ huyệt làm bao nhiêu người cảm động rùng mình , Lê Kim Giao viết bài “Bên mộ Bốn Thơ” , anh còn viết thêm đôi câu đối:


14/2/2006 – Chăn trâu đốt lửa - Khéo chọn Lễ Tình yêu-Lục bát thơ Tình thương

bóng đất

30/3/1948 – Cỏ độc chim vàng – Tài dâng HỒN NGHỆ SĨ – Ngàn muôn khách Nghệ tiếc sao trời

Ngày 14 tháng 2 năm 2012

THÍCH TÙY DUYÊN VÀ LÊ KIM GIAO

( Vừa qua, báo Tiên Phong chủ nhật có trích in mấy trang , khá long trọng, có cả ảnh của hai bạn Bồn Giao chụp tại vườn nhà Giao , ở Thụy Khuê ... Tuy nhiên để hiểu rõ mong bạn đọc lên mạng lekimgiao.nghesi.vn xem cả bài này )

1 nhận xét:

  1. Nhà thơ Lê Kim Giao xin liên lạc lại với biên tập viên Trần Thu Vân , người biên tập cuốn thơ Dịu dàng- thơ của anh. Lâu lắm rồi. Vân 091.2134345

    Trả lờiXóa