Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2011

HAI BỨC THƯ, MỘT ĐẠO THIỀN…

Ảnh: Internet
(  Sau khi đọc tin, nhiều bạn đọc muốn xem chi tiết 2 bức thư có liên quan đến 2 đôi câu đối ở Thiền Viện Trúc Lâm Tam Đảo, tôi xin ghi lại chính xác và đầy đủ bức thư của Hòa thượng Thích Kiến Nguyệt trả lời và lời hồi âm của tôi – Lê Kim Giao
Tôi nhận thấy sự cẩn trọng của quý Hòa thượng trong từng lời từng chữ , tôi vô cùng cảm ơn thịnh tình của Cụ, dù bận việc vẫn giành cho những dòng nhiều kiến thức và tâm huyết. Tôi không dám mạo bàn về những điều quá sâu trong Thiền học, chỉ xin được lắng nghe và trình bày vài ý sơ đẳng của mình, chắc hẳn sẽ nhiều chỗ sai sót, rất muốn được nghe những chỉ dẫn chân tình và uyên bác của Cụ )

Bức thứ nhất  : Hòa thượng Thích Kiến Nguyệt  gửi  Lê Kim Giao
Vĩnh phúc ngày 30 tháng 7 năm 2009
Kính gởi Bác Lê Kim Giao
Trước nhất chúng tôi có lời cảm niệm tấm lòng của Bác đã quan tâm đến Thiền Viện nên đã có lời đóng góp chân tình ,  chính xác về hai câu đối trong chính điện của Thiền Viện, ngoài ra còn gởi tặng quyển thơ  “Thi kỳ song tuyệt ” .Kiến Nguyệt xin chân thành cảm ơn Bác
Trước đây KN được quý thầy Tri Khách cho biết và cũng đã nhận dược thư của Bác về hai câu đối . Nhưng vì quá bận và cũng không muốn biện minh, vì nếu không khéo thì tâm lại kẹt vào “ phải -  trái, đúng -  sai, hơn thua “ của người đời , trái với lẽ đạo , vì đạo và đời có những cái khác  nhau  .
Bác đã biết chủ trương của Thiền là “ Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật “ . Vì vậy Thiền không có một pháp cố định ( “ Không một pháp cho người “) trong khi đời thường thì sống trong đối đãi  “ phải – trái , đúng – sai,  tốt -  xấu, thiện -  ác “ nên tâm thường mắc kẹt trong những phạm trù, những quy ước …do người xưa quy định về niêm luật. âm vận, phép đối…từ đó mà tâm hay dính mắc bởi : hay, dở, đúng sai…nên chân tâm ( Phật tánh ) bị che mờ.
Cửa Thiền là nơi “ tháo chốt , nhổ đinh “ cho hành giả, tức là phá tung những qui tắc , ước lệ của thế gian…để tâm không bị kẹt, bị dính mắc, từ đó đưa đến bất an …
Hơn nữa Thiền giả không thể dùng “ thế trí biện thông “ để kiến tánh, để ngộ đạo hay sống Thiền .Vì vừa suy nghĩ là chân tâm bị che mờ, vừa khởi niệm đúng sai là rơi  vào mê, không còn giác và thiện tâm bị che lấp bởi vọng niệm…Sơ Tổ Trúc Lâm ( tức Phật hoàng Trần Nhân Tông ) đã dạy :
“Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền” tức là đối với cảnh mà không khởi niệm, không dính mắc thì ngay đó là Thiền .
Vì những lẽ trên mà chúng tôi yên lặng, không muốn giãi bầy.
Nay được thư và sách của Bác , trước sự chân tình Bác mong muốn KN hồi âm mà KN có những lời này, có gì không đúng mong Bác bỏ qua …
Trước nhất KN xin phép nói sơ về Thiền và phương pháp khai thị của các vị Thiền Sư: – để giúp cho Thiền giả không mắc kẹt vào ngôn ngữ văn tự , mà quên đi ” chân tâm “ hằng hiện hữu , sáng ngời nơi tâm mình…các Thiền sư thường dùng nhiều thủ thuật : hỏi đông đáp tây, hỏi nam chỉ bắc , hoặc đánh, hoặc hét, hoặc dựng phất tử…để trả lời, để giáo hóa , khai thị cho thiền giả …chúng tôi xin trích dẫn vài mẩu chuyện vấn đáp giữa các vị tăng đi cầu pháp với chư vị Tổ sư để Bác hiểu thêm về Thiền , để Bác thấy cùng một câu hỏi mà mỗi vị thiền sư khai thị khác nhau, không theo nghĩa lý, khuôn phép đời thường , luôn luôn với tinh thần “Bất lập văn tự “ ( không kẹt vào ngôn ngữ văn tự , hay khuôn phép cố định nào của Thế gian …)
Ví dụ cùng một câu hỏi “ thế nào là ý tổ sư từ Ấn Độ sang “
Bác sẽ thấy mỗi vị thiền sư trả lời, khai thị khác nhau:
  1. 1. Có một vị tăng hỏi ngài Triệu Châu : – Thế nào là ý  tổ sư từ Ấn  Độ sang ?
Sư đáp: Cây bách trước sân
Tăng thưa ; Hòa thượng chớ đem cảnh chỉ người
Sư đáp : ta chẳng đem cảnh  chỉ người .
Tăng hỏi lại : Thế nào là ý tổ sư từ Ấn Độ sang ?
Sư đáp : Cây bách trước sân
  1. Thiền sư Pháp Hội hỏi Mã Tổ -  Thế nào là ý  tổ sư từ Ấn  Độ sang ?
Mã Tổ bảo:” Hãy nói nhỏ, ông đến gần đây ta nói cho nghe ! Pháp Hội đến gần, Mã Tổ tát cho một tát , rồi bảo: – Chẳng thể cho người thứ ba biết  . Đi đi !ngày mai đến  !
Hôm sau Pháp Hội một mình vào pháp đường thưa – Thỉnh hòa thượng nói!
-Hãy đợi lão tăng thượng đường ra hỏi, ta sẽ vì ông chứng minh.
Sư bỗng có tỉnh , liền thưa : – Lễ tạ đại chúng chứng minh?
( Bác đã hội được ý Tổ sư từ Ấn Độ sang chưa ? )
  1. 3. Có một vị tăng hỏi Thiền sư Thạch Sương: Thế nào là ý  tổ sư từ Ấn  Độ sang ?
Sư đáp ; Trong không một phiến đá
Tăng lễ bái
Sư hỏi :- Hội chăng?
Tăng thưa :  Chẳng hội
Sư bảo :- May! Ngươi chẳng hội, nếu hội, ngươi đã bị vỡ đầu.
  1. 4. Có một vị tăng hỏi Thiền Sư Thạch Đầu: – Thế nào là ý  tổ sư từ Ấn  Độ sang ?
Sư đáp: -Hỏi cây cột cái đi!
- Con không hội.
- Ta cũng không hội
Thiền sư Việt Nam thì sao ?- Các ngài dùng thi văn để trả lời.
Có một vị tăng hỏi ngài Tuệ Trung thượng sĩ :- Thế nào là thanh tịnh pháp thân ?
Tuệ Trung đáp
– Chui rúc trong đám phân trâu
Ra vào trong nước đái quỷ
Cũng câu hỏi đó Phật hoàng Trần Nhân Tông trả lời:
-Chén vàng đựng phân sư tử
Người đen đúa vác bó hương thơm ?
( Thế trí biện thông có thể hiểu và đến được chỗ này không Bác ? )
Kính thưa Bác ! Chúng tôi biết 2 câu đối trên đã làm cho nhiều học giả khó chịu và phê phán vì không đúng niêm luật của thể loại câu đối , tại sao một Thiền Viện lớn như vậy mà để 2 câu đối không chuẩn như vậy?
Xin thưa hai câu đối đó là của Thầy chúng tôi cho, nên chúng tôi trân trọng đặt ở Chính Điện . Ngài là Thiền sư Thích Thanh Từ. Như trên đã nói Thiền sư thì tự tại, không theo khuôn phép thế gian , không mắc kẹt vào sự khen chê của các học giả …chúng tôi không sửa là trên tinh thần đó. Nếu chúng tôi sửa thì chúng tôi còn dính mắc – đúng sai của  thế gian . Theo chúng tôi thấy Ngài nói lên lẽ thật, xuất phát từ chân tâm, không kẹt trong ngôn từ đối đãi , qui ước của thế gian , không chau chuốt ngôn từ để kém đi sự bình dị và đạo lý chân thật
Qua lời và ý nghĩa của câu đối I, chúng ta thấy hết sức mộc mạc nhưng hàm chứa một lẽ thật về đạo lý :
Phước đức sâu dầy là do gieo nhiều nhân lành mà đạt được quả phúc lớn.
-  Tuệ giác là tuệ bát nhã ( không thể dùng từ  tuệ linh) trí tuệ này có được là do chúng ta hành sâu  Bát Nhã Ba La Mật Đa mà có được
-  Nếu muốn chỉnh sửa câu đối cho đúng niêm luật , chúng tôi có thể sửa lại:
PHƯỚC ĐỨC SÂU DẦY DO GIEO NHÂN ĐẠT QUẢ
TUỆ ĐĂNG THƯỜNG CHIẾU BỞI TINH TẤN HÀNH THIỀN
Nhưng chúng tôi không sửa trước là vì tôn trọng lời  dạy của Thầy, sau là chúng tôi thấy khi sửa câu đối tuy tương đối chỉnh hơn nhưng không sâu sắc, không nói lên được chỗ cần nhấn mạnh, cần nhắc nhở thiền giả phải hành sâu Bát Nhã Ba La Mật Đa mà mới có tuệ giác , và như trên đã nói khi viết câu đối với tinh thần như vậy thì mất đi tinh thần sống Thiền…
Đối với câu đối II
PHẬT PHÁP CHỈ ĐƯỜNG LÌA MÊ VỀ BẾN GIÁC
THIỀN TÔNG KHÔNG LỐI TRỰC NGỘ ĐẾN CHÂN NHƯ
Từ chỉ đường tức là có đường, dùng chữ có đường thì xét về mặt đối rất chuẩn , nhưng chưa lột được chân lý quan trọng là Phật pháp chỉ cho người ta con đường để lìa bến mê về bờ giác, dùng chữ có thì không nhấn mạnh được ý dẫn dắt , chỉ đường , không nói lên được điều quan trọng và cao quý của Phật pháp , vì bị gò ép trong khuôn sáo đối ngẫu nên thiếu tinh thần thiền
Tóm lại , các câu đối này không đúng niêm luật của thể loại câu đối . Nhưng để chỉ bầy lẽ chân thật cho mọi người hiểu một cách giản dị, không văn chương, không kẹt bởi ngôn từ cú pháp của thế gian và để tôn trọng lời dạy của Thầy, mà có thể qua đó chúng tôi chưa lĩnh hội hết ý nghĩa của lời Thầy dậy qua câu đối. Vì có thể ngoài nghĩa lý, nó còn chứa đựng tinh thần Thiền là tháo chốt nhổ đinh, tôn trọng lẽ thực không chau chuốt .
Vì chúng tôi là hành giả không phải học giả, nên văn chương chữ nghĩa kém, và để thực hành lời Phật dậy
“ như tảng đá kiên cố gió thổi không lay động, người trí tâm an định, bất động trước khen chê” nên chúng tôi im lặng, không muốn biện minh hay tranh luận về vấn đề này, mong Bác hiếu cho…
Cuối thư , xin thành tâm chúc Bác  “THÂN TÂM THƯỜNG AN LẠC, VẠN SỰ KIẾT TƯỜNG NHƯ Ý”
Kính thư
Tỳ kheo Thích Kiến Nguyệt
Bức thư thứ hai : Thư trả lời của LÊ KIM GIAO – nhà hoạt động VHNT –Hà Nội

Hà nội ngày 11 tháng 8 năm 2009
Kính gửi Hoà thượng Thích Kiến Nguyệt
Trước hết, xin được cảm ơn quý hoà thượng  đã có thư hồi âm ( dù chậm 3 tháng ) , không ai dám trách cứ một nhà sư bận quá nhiều việc Đạo, việc Đời .
Qua thư hồi âm, tôi thấy có  nhiều điểm có thể trao đổi thêm , hoàn toàn cá nhân , nhằm sáng tỏ nhiều điều về Đạo, mà chính tôi cũng đã suy nghĩ nhiều năm qua : ( rất mong lượng thứ sự thô thiển )
Tôi cứ nghĩ Phật Đạt Ma cũng là một con  người, ngài đã tự nghĩ ra Thiền Đạo, vậy thì ta cũng có thể đặt mình vào vị trí ấy, thử nghiệm xem sao ?
Sau nhiều năm thử nghiệm, tôi cũng  có một số kết quả khả quan ( khá nhiều các bài thơ , câu đối, ca khúc    viết trong lúc nhập thiền   và hình như nó vượt sức thật sự của tôi…tôi sẽ đưa minh hoạ kèm theo đây, không phải để khoe khoang, mà chính là muốn tìm hiểu Thiền Đạo )
Nay lại được trao đổi với quý hoà thượng, xin cho phép tôi thẳng thắn và thực sự cầu thị
Phần thứ nhất: QUAN NIỆM VỀ  THIỀN ĐẠO
Theo tôi, mọi chuyện sẽ rất đơn giản, không hề có lý luận siêu phức tạp, nguỵ biện, tỉnh lẫn mê, sai lẫn đúng, hình thức lẫn với nội dung…bởi lẽ chính đức Phật đã ngồi 49 ngày đêm dưới gốc cây bồ đề, tự tìm cách theo dõi hơi thở , điều hoà thể xác, trí não  ,  nhập vào trạng thái Thiền, trả về cho bộ não sự trong trẻo, không vướng bận, dần dần hoà nhập được  với khí chung của vũ trụ, từ đó, tự nhiên bộ óc thông tuệ, hiểu rất nhiều việc lớn nhỏ mà người đời chưa biết rõ, sau đó các đệ tử đem các câu hỏi đến, được Người trả lời một cách vắn tắt , họ ghi thành kinh, tìm cách giải rõ thêm (!? ) và đem hướng dẫn người đời (  chứ Phật tổ hoàn toàn không viết kinh )
Vậy thì con đường mà Ngài đi, ( không chỉ đường đâu , vì làm gì có đường mà chỉ, mỗi người chính là một con đường vậy ) là con đường tự mình ngồi Thiền, tạm coi là : Hoà khí, định tâm, làm cho bộ não luôn ở gianh giới của Động và Tĩnh, tỉnh và mê, thức và ngủĐó là một cái bờ cực nhỏ , chỉ như một cây kim đứng đu đưa trước gió hút 4 bề , 8 hướng, ngàn phương…, đó là bờ Thiền ( chữ mà tôi dùng trong câu đối sửa là có căn cứ như vậy ) người đã duy trì được ở nơi đó suốt 49 ngày đêm, điều mà đại đa số các nhà sư hiện hành cũng chưa làm được… sẽ thấy bộ óc được giải phóng , có thể bật ra nhiều hiểu biết thông tuệ hơn  người ( tôi chưa muốn để cả cuộc đời cho Đạo nên không dám ngồi lâu, sợ còn nợ đời nhiều việc chưa làm, và quan trọng hơn cả là tôi biết mình không có được bẩm sinh cực kỳ thông minh để có thể vượt qua các bế tắc khi tìm hiểu các bí mật của hệ thần kinh chính mình, tôi lo mình sẽ bị …tẩu hỏa nhập ma …)
Dĩ nhiên phải vượt qua rất  nhiều khó khăn ( khổ ải ) bởi sự chống đối của  BỘ ÓC CHÍNH MÌNH
( chẳng có ma quỷ, yêu tinh yêu tiếc nào đâu )…và dĩ nhiên phải vượt qua các quy ước mà trước đó nó ăn sâu vào não, luôn níu kéo con người về sự mòn mỏi, nhàm chán , chậm chạp, không thể vụt bay lên cõi minh mẫn được
Những câu chuyện mà hoà thượng viện dẫn ra có thể làm nhiều bạn tôi hoa mắt, hoa tâm nhưng rất thú vị là nó lại càng làm tôi tin tưởng mình đã nghĩ đúng về Thiền Đạo:
Tôi nghĩ các vị được hỏi :Triệu Châu,  Mã Tổ, Thạch Sương, Thạch Đầu…đều đang bận quan tâm đến cái Bờ Thiền  như cây kim đứng thẳng trong đầu họ, thẳng đứng như cây bách, như cây cột cái…, và khó vượt như húc đầu vào đá tảng, đang đe doạ cái đầu của chính họ, họ có quan tâm đến câu hỏi ấy đâu ??  Ý họ là nếu vượt qua được cái bờ thiền đó thì các câu hỏi ấy có gì mà phải trả lời, có gì mà chẳng trả lời được?! và dụng ý sâu xa chính là khuyên các thiền giả hãy để hết tâm trí của mình vào việc nhập định đó
( thử hỏi lúc đang bế tắc đó, các việc hình thức , khoa trương…có ý nghĩa gì ?? )
Đó là quan niệm của tôi về Thiền Đạo, tôi tin rằng rất gần với quan niệm của nhà vua Trần Nhân Tông và Thiền Viện Trúc Lâm…
Phần thứ hai:
CÂU ĐỐI, TÍNH VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VÀ GIÁ TRỊ VĂN HOÁ NƠI CỬA THIỀN
Sau khi đọc kỹ thư cùa ngài,với tình bầu bạn,  tôi thấy một số điểm sau
Nếu chỉ là lời văn của Thầy, ta nên để hai tấm chữ đó gần nhau, không nên để thành đôi vế đối ở 2 bên điện,  ngoài ra, nếu sửa lại như ý của Cụ thì thú thực : câu sửa đó vẫn hỏng ( xin thứ lỗi ) vì quý hoà thượng chưa quan tâm , chưa nắm vững  luật đối ( mà điều này có thể biện minh thế nào khi chính nhà vua Trần Nhân Tông, sư tổ Thiền đạo…lại viết rất chuẩn các câu đối ???)

PHƯỚC ĐỨC SÂU DẦY DO GIEO NHÂN ĐẠT QUẢ     mà   Cụ  đối  là :
TUỆ ĐĂNG THƯỜNG CHIẾU BỞI TINH TẤN HÀNH THIỀN
Thì phạm quá nhiều sai sót ;
dầy ( tính từ ) không thể đối với chiếu ( động từ )
gieo ( nôm ) không thể đôí với tinh ( hán )
Nhân ( danh từ ) không thể đối với tấn ( động từ )
Xin hãy xem lại câu của Lê Kim Giao :
TUỆ LINH THÔNG SUỐT BỞI HOÀ KHÍ ĐỊNH TÂM
Sẽ  thấy chuẩn hơn về ngôn từ nhưng quan trọng hơn cả là nó vạch ra phương pháp lớn  của Thiền

Theo tôi, Thiền là để bộ óc thông minh lên, nhận ra đúng sai, để giải đáp các câu hỏi từ nhỏ đến lớn , ví như từ làm sao viết cho hay hơn,làm sao tuổi thọ cao lên  rồi đến các câu cực khó như đâu là trước sự sống, đâu là sau cái chết ? bản chất của linh hồn ?? …
Các câu hỏi đó chỉ các bậc Thiền sư thật sự xuất sắc    ( do bẩm sinh quyết định phần rất quan trọng, không phải chỉ muốn mà được ) và khi đã đạt đến mức rất cao mới có thể trả lời được…
Tuyệt đối không có sự né tránh và càng không thể lệ vào sự hướng Thiền mà làm cho năng lực của mình ngày càng kém đi ?? Chẳng lẽ cứ phớt lờ tất cả cái hay cái đẹp của Thơ Văn nhạc hoạ mới là gần với Thiền sao?
Ấy là tôi chưa dám nói đến ở ngay Đại điện , nhiều khách trong , ngoài nước quan chiêm, ta nên tôn trọng người đọc , đó cũng là nét văn hoá nơi cửa Thiền , rất mong Quý hoà thượng xem xét
Cuối cùng xin hãy lưu ý chữ niêm luật ( luật dính ):
Chỉ ở trong thơ Đường Thất ngôn bát cú ( 8 câu, 7 chữ ở một câu ) mới có niêm luật, ở câu đối thì không có , đó là luật khi chuyển từ câu chẵn sang câu lẻ tiếp sau (  câu 2 sang 3, câu 4 sang 5, câu 6 sang 7 ) thì chữ thứ hai phải cùng vần bằng trắc
Ví dụ :
TIẾN SĨ GIẤY

Cũng cờ cũng biển cũng cân đai
Cũng gọi ông nghè có kém ai          ( Chữ  thứ hai : gọi là trắc )
Mảnh giấy làm nên thân  giáp bảng   ( chữ thứ hai  : giấy buộc phải là trắc )
Nét son điẻm rõ mặt văn khôi             ( chữ son là bằng , đòi chữ thân là bằng )
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ          ( chữ thân phải là bằng )
Cái giá khoa danh ấy mới hời            (Chữ giá là trắc)
Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh choẹ  ( chữ chéo phải là trắc)
Nghĩ rằng  đồ thật hoá đồ chơi
Do vậy ở câu đối mà dùng  niêm luật là hoàn toàn sai, phải nói là :đối luật
( Ngoài ra không nên lệ vào lời của người thầy gần mà quên mất  sư tổ xa, tôi tin rắng nếu ngài Trần Nhân Tông có chọn cũng khó mà chọn câu trên được…)
Tôi nghĩ  khi đã đi đúng Thiền đạo , tuệ  linh thông suốt, văn lực sẽ nâng cao, dĩ nhiên còn phải có phần bẩm sinh năng  khiếu …( tôi không dám mong hành giả viết như học giả  đâu, chỉ mong sự thật thà thẳng thắn nhận sai như những người bầu bạn tâm tình thường xử, lúc đó cả hai sẽ tôn trọng nhau hơn và chắc chắn sẽ giỏi hơn…)
Riêng tôi, tôi chỉ ngồi Thiền khi bộ não lâm nguy ( lúc tôi bị bí chữ, bí ý, bí vần …) và thường sau đó tôi tìm ra các giải pháp khá thú vị…
Kết luận ;
Tôi hy vọng quý hoà thượng sẽ đọc kỹ  những dòng này, rồi có hồi âm cho tôi, một người ham thích văn học và Thiền học …Đúng sai cũng chẳng phải quan trọng lắm , miễn sao kiến thức của mình tăng lên, còn câu đối sửa cũng hay mà không sửa  cũng hay, có thể chuyển sang 1 bên như tôi nói sẽ giữ được câu của Thầy , mà lại không phải bận tâm về  vế đối , cũng là một ý tốt
Tạm dừng, kính chúc vui mạnh và …xin bỏ quá cho điều gì chưa phải…
Mong dịp gặp gỡ bên gốc cây, cùng đàm đạo và thương quý nhau

Lê Kim Giao


Vài điều minh hoạ , các tác phẩm viết trong lúc ngồi THIỀN ( của LÊ KIM GIAO )
  1. Khi được mời viết “ Lời mở Trống hội Thăng Long “ tôi cảm thấy quá khó, so với sức học non nớt của mình, sau khi cố gắng viết thử nhiều lần , thất bại, tôi ngồi nhập Thiền,    ( tôi có tự nghĩ ra một cách nhập rất nhanh vào tình trạng nửa tỉnh nửa mê , nếu gặp gỡ tôi có thể trình bày để quý hoà thượng tham khảo ) và chỉ trong đêm đó bài viết  tôi ghi lại mà chẳng biết mình viết cái gì, sáng hôm sau đọc lại thấy ổn…
LỜI MỞ TRỐNG HỘI THĂNG LONG
Nhớ ngày ấy
Ngũ sắc mây thiêng, lòng trời rộng mở
Thấp thoáng Phong Châu : voi trắng trống đồng
Hồn Lạc Việt muôn năm về tụ hội
Đại La  xưa bay một bóng Linh Rồng
Để hôm nay
Thiên kỷ Việt ngàn năm trang sử mới
Đất trời Nam rung
Trống hội Thăng Long !
Và  rồi lời đó đã được phát 8 giờ sáng ngày 1 tháng 10 năm 2000, mở màn cho ngàn cây trống, khai mạc tuần lễ 990 năm Hà Nội, Thăng Long…Nay đã gần sang 2010 và tôi vẫn hy vọng lời mở này vẫn được sử dụng trong Đại lễ  Ngàn năm…
  1. Khi Hồng Quang , bạn  tôi có nghĩ ra một vế ra Đối, cả 10 năm qua, nhờ nhiều bạn mà chưa ai đối được, bèn đặt một giải là 100 Đô la cho ai đối được, vế đó như sau:
Đàn  bà  cầm  Tỳ  bà  cầm
Tôi biết chuyện này  vào năm 2008, lúc tôi đang quyên góp tiền để dựng một bài ca khúc “ Chu Văn An mái trường mến yêu “  kịp 100 năm ngày thành lập trường ( tháng 5 năm 2008)  và đang thiếu độ vài triệu…, nếu đối được thì đủ tiền làm đĩa hát, ca khúc do tôi sáng tác , NSND Quang Thọ hát,  điều đó với tôi, vừa là một học sinh cũ, vừa là một thầy giáo cũ của trường Chu Văn An có ý nghĩa lớn biết chừng nào…
Và cũng trong một cố gắng hết mình , thất bại, tôi ngồi Thiền và bật ra câu đáp:
Chuột bạch thử Trinh bạch thử

( Chú ý Tỳ bà cầm là một cây đàn, Trinh bạch thử là một con chuột có danh trong văn học dân gian: chuyện Trinh thử…, chữ cầm vừa hán vừa nôm, vừa danh từ, vừa động từ  thì chữ thử cũng vậy…)
Tôi lo anh bạn không biết chuyện Trinh thử , đã phải chụp cả mấy trang để anh xem, may mắn đó là người am hiểu và giữ chữ tín,  anh vui vẻ trao tặng 100 đôla trước nhiều bạn tôi chứng kiến, tôi có hứa khi làm đĩa sẽ in ảnh của anh vào bìa đĩa hát  như một người người góp sức ( và tôi đã làm được )
3. Khi đọc vế ra đối của Đoàn Thị Điểm:
Da trắng vỗ bì bạch
Thật sự tôi khiếp hãi vì quá sức của mình, sau thấy mấy vế đáp của ai đó chỉ tàm tạm, không hay, tôi chót…nói khoác với bạn ( gái ) mình là sẽ làm hay hơn… Thế là tiến thoái lưỡng nan!
May quá lại dùng Thiền pháp…và vế đáp bật ra trong đêm như sau:
Chuột tơ dòm tí ti
Xem lại, sáng hôm sau, tôi thấy mừng vì ngoài chữ tí ( chuột) ti (tơ) còn có ý tinh nghịch với văn cảnh là trong phòng tắm một cô gái xinh đẹp khoe mình da trắng, ngoài cửa anh trai tài khoe chú chuột tơ…
4. Gần đây nhất chính là đôi câu đối viết cho địa danh Ngã Ba Đồng Lộc, nơi 10 cô gái thanh xuân hy sinh vì nước, tôi đã viết trong đêm :
Nghĩa cảm Tây Đông * Dòng máu Việt
Đường thông Nam Bắc * Sắc hoa Xuân

Đôi câu này được ông Võ Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn Hoá – Thể thao Hà Tĩnh rất thích và vừa mời tôi vào ngày giỗ các Cô :24-7-2009…Tôi cũng hy vọng sẽ được dùng dòng chữ đó
Còn nhiều lần như vậy nhưng tôi không thể kể hết ở đây, hy vọng gặp gỡ , trao đổi biết đâu chẳng bật ra những đóng góp có ý nghĩa cho chính Thiền Viện Trúc Lâm Tam Đảo , nơi cả tôi và quý hoà thượng Thích Kiến Nguyệt cùng yêu mến…
Kính thư
Hà nội 11-8-2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét