Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

Sáu lời giới thiệu tập "Thần luật thơ đường"

Lời giới thiệu 1:


                                  THÚ LẮM...LÊ KIM GIAO !

Anh Lê Kim Giao là một người nồng nhiệt. Nồng nhiệt với bạn bè, nồng nhiệt với công việc và nồng nhiệt cả trong các thú chơi: chơi cờ, chọi gà, làm thơ...
            Văn chương với anh cũng là một thú chơi. Anh hay nhận xét công việc của mình trong cõi này bằng hai từ Thú lắm! Cuộc đi đọc thơ “tự phát, tự túc”ở Ninh Bình thú lắm. Bài thơ về chơi cờ khắc vào đá tặng hội Chùa Vua thú lắm...Bài thơ bia đá ở  Mỵ Châu am: thú lắm ...
            Mỗi lần thú lắm là một lần bỏ công, bỏ sức. Rạc cả người, khản cả tiếng nhưng... thú lắm! Yêu văn chương thật sự là phải thế. Tôi phục mà không dám theo. Biết sức mình không theo được.
Đang dạy toán cấp III. dạy chính, dạy thêm, cua sớm cua tối. Toán lý hóa dạo ấy hái ra tiền. Bỗng bỏ nghề, thôi dạy, để... làm thơ. Thơ... thú lắm!
Cố nhiên, đời sống sẽ khó khăn, Xuân Diệu ngày xưa còn kêu lên Cơm áo không đùa với khách thơ. Kim Giao không kêu, viết ra câu nào bài nào cũng thú lắm. Hào hứng gặp gỡ bạn bè, hăm hở đọc. Rồi tự lập câu lạc bộ, giúp người mới viết. Bận suốt ngày việc “triều đình” không lương bổng, không thù lao.
 Được cái, người vợ tao khang tốt tính, rất tôn trọng các sáng tác của anh, lại cùng anh tham dự mấy khóa học Hán Nôm để có điều kiện cùng anh bàn bạc và nghiên cứu Đường thi.
Hồi ấy, dễ gần hai mươi năm rồi, anh ào vào phòng tôi ở Hội Văn nhệ Hà Nội, hồ hởi: Báo tin vui với ông Phương, dạo này kinh tế tôi khá rồi! Khoản gì thế? Tôi hỏi.Giải thưởng hay tài trợ?
            Không giải thưởng, không tài trợ.Mình làm gì mà được tài trợ. Thi cử gì mà giải thưởng. Giao hào hứng trả lời. Mình bán nửa miếng đất ông bố đẻ cho. Ồ nửa miếng là đủ.Tiền khá lắm ông ạ. Đủ để ngồi viết, in thơ.
Nghe Giao nói mà vui. Hai lần vui.Vui vì bạn có tiền lại vui vì cái “dễ vui” của bạn.
 Giao đi chùa, chê câu đối của sư.Tranh luận tận tình, sư cũng phải động lòng trần và Giao thì phát hiện ra mình có Thiền căn.
Lê Kim Giao say mê câu đối từ lâu. Khi là người thách, khi là người đối, khi anh sáng tác cả cặp. Anh khoe có lần nhờ ngồi Thiền, tĩnh tâm mà đối được vế thách hóc hiểm: Đàn bà cầm tì bà cầm bằng câu điển tích Chuột bạch thử trinh bạch thử. Anh rất đắc ý thì nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, người mến Giao nhưng hay trêu chòng anh lại kính cẩn xin đối tiếp, móc tên anh vào khá ác: Kim Giao hợp không giao hợp. Hơi cụt hứng nhưng không giận, còn coi đó như giai thoại thêm vị cho câu chuyện ứng đối của mình.
            Việc nghiên cứu rồi viết một tiểu luận có tính phát hiện mới về thể thơ   đã có nghìn năm tuổi, lại  là di sản của một nước đông người, nổi tiếng là lắm ý kiến và sành bàn bạc thâm viễn xưa nay, cũng là một việc thú lắm. Thú lắm mà làm.
            Thành hay không thành là chuyện xét sau.Thú cái đã.Tôi trọng lòng yêu văn chương của anh nên anh trao cho tập bản thảo, tôi vội đọc ngay. Vấn đề anh đụng vào kể cũng là “to chuyện”. Phá thừa, thực, luận, kết từ lâu đã là khuôn thước của thơ Đường, giờ đây anh sắp lại, chỉnh đốn thành Duyên Tài Tình Mệnh.
            Lập thuyết hẳn hoi nhưng lại không phải là nghiên cứu hay công trình khoa học gì. Anh cảm nhận từ thơ Đường luật của anh mà luận ra cái tư thế ấy của Đường thi.
Anh nói rồi: Anh không có điều kiện đọc nhiều thơ của các nhà thơ đời Đường cho nên khi dẫn chứng anh cứ hồn nhiên lấy thơ mình ra mà phân tích.
Chắc là cũng thú lắm vì thơ minh họa đúng điều anh nghĩ. Mà đúng là phải vì thơ anh cố nhiên phải sinh từ quan niệm của anh.
Tôi đọc cũng thấy thú lắm trước sự tự tin trong sáng của anh, đến mức cảm thấy luận sai đúng ở đây là không đúng chỗ. Điều tôi muốn nói là lòng say mê của anh trong công việc.
Tôi thèm sự tự tin trung thực của anh.
            DUYÊN TÀI TÌNH MỆNH  là một cách nhìn riêng của anh. Một đề nghị thêm vào chứ đâu phải một tranh cãi để xóa đi. Kể ra thì câu thơ nào có các phẩm chất ấy cũng đều là cần. Nhưng anh quan niệm thế, ít nhất cho thơ của anh thì cũng được chứ sao.
Nhập gia tùy tục. Anh muốn ta bỏ giày rồi đi dép của anh mà vào nhà anh. Thì bỏ giày, thì đi dép. Chân mình vẫn đấy, ai gọt mất đâu mà lo! Vào với nhau mà trà nước, văn chương Thú lắm, Lê Kim Giao !


19-5-2011
                                                            VŨ QUẦN PHƯƠNG .         

Lời giới thiệu 2.


Thầy giáo dạy Toán, nhà thơ Lê Kim Giao – mà tôi được quen biết từ lâu – là người có nhiều câu thơ tài hoa, in vào trí nhớ bạn đọc như:

        Có ai bán cái dịu dàng
Anh mua một gánh tặng nàng làm duyên

Gần đây anh chuyển sang viết và nghiên cứu về thơ Đường .
Thơ Đường của anh có nhiều câu thú vị, khai thác được cái hay, cái đẹp, cái kỳ của tiếng Việt.
Năm Mùi anh viết về con Dê :

XUA ĐÀN LINH NGỌ NẺO THIÊN THAI
VÁCH NÚI   BE  BE   GỌI SỚM MAI
RÂU DỞM   NỬA CHÒM NGƠ NGẤT NGỰC
SỪNG CÙN  HAI   MẨU    VẬT   VỜ    VAI

Với công trình THẦN LUẬT THƠ ĐƯỜNG, tôi nghĩ anh là người tâm huyết với THƠ. Lại không phải không có tài THƠ, không thể không có phát hiện gì đáng kể, nên tôi đã đọc một cách rất thành tâm, chú mục .

Đưa DUYÊN, TÀI,  TÌNH, MỆNH   áp cho Thơ Đường quả thật là “ đốt đốt  quái sự ’’(1)  xưa nay chưa từng nghe.
Nhưng  nghĩ như lớp trẻ bây giờ:
Tại sao không? ( why not ? )
Tức là ta có quyền nghĩ khác người xưa lắm chứ ?

***

Nhà ở của người Việt cổ  chỉ có hai mái, ba gian, năm gian. Nhà mới bây giờ đủ các thứ khối hình .
Nhà xưa phòng khách là quan trọng, bây giờ công trình phụ được đề cao.
Đều là tùy cái nhìn, tùy nhu cầu,  tùy thời đại.
ĐỀ THỰC LUẬN KẾT dù phổ biến, nó vẫn là cách nhìn không phải hoàn toàn thấu triệt- mà chẳng bao giờ có sự thấu triệt với Thơ .
Không có cái khung cứng nhắc nào đó cho một tác phẩm nghệ thuật nói chung.

Tôi thấy cái DUYÊN là một phát hiện, một tên gọi  khá thú vị trong lý luận của Lê Kim Giao.
Tức là cái hứng, là sự va chạm của nghệ sĩ với hiện thực một cách ngẫu hứng, là sự giao cảm đầu tiên  của Nhà Thơ và Bạn Đọc.
TÀI và TÌNH  ta không cần nói nữa. Thường bốn câu giữa thể hiện sự chắc tay, tài và tình của bút pháp thơ Đường.
Tuy nhiên có khi  “ thần cú ’’ lại nằm ở ngay câu đầu hay câu cuối.
Và nếu coi hai câu cuối vận vào MỆNH của bài thơ, của tác giả như trình bày của anh Lê Kim Giao cũng không có gì là quá đáng.
.
Nó là “ Vận mệnh của Đề tài,  và là tâm sự sâu của tác giả, lý do chính để viết bài thơ ấy.’’
  Cảm ơn anh Lê Kim Giao đã cho tôi thưởng ngoạn những bài thơ của anh và khải thị :
Có thể đến với thơ, nghĩ về thơ bằng nhiều lối ngõ, miễn sao khi ra khỏi nó, ta không bị bấn loạn, chỉ còn Mỹ cảm tràn trề .

Đọc Thơ, không chỉ thơ Đường, cảm thấy thú vị trong cái  duyên giao cảm với kẻ tài năng, đa tình, âu cũng là một hạnh ngộ trong đời .


             
          Nhà nghiên cứu Hán Nôm NGUYỄN SĨ ĐẠI
                      Tiến sĩ Văn học
                      Tác giả : Đặc trưng Nghệ thuật
                       của THƠ TỨ TUYỆT ĐỜI ĐƯỜNG)



Lời giới thiệu 3.
Đọc tập THẦN LUẬT THƠ ĐƯỜNG  của LÊ KIM GIAO, thấy được tâm huyết của tác giả trong khảo cứu về một dòng thơ xưa nổi tiếng, những nhận định thật là độc đáo, những tiêu chuẩn đánh giá cũng  mang hồn mới, và ý nghĩa mới mẻ.
Xin có một bài thơ gắn với bốn chữ  DUYÊN, TÀI, TÌNH, MỆNH gọi là tỏ sự đồng cảm .

                           CẢM XUÂN
          ( Cảm nghĩ về tập THẦN LUẬT THƠ ĐƯỜNG
                   và chùm  thơ Xuân tứ Đường thi
             nói về 12 con giáp  của tác giả Lê Kim Giao )


XUÂN ĐẾN CHÀO XUÂN DÁM HỮNG HỜ
GẶP   EM  ,   TA   HÁ   LẠI    THỜ     Ơ
VĂN CHƯƠNG BỊN RỊN  TƠ  CÒN VƯỚNG
THƠ    PHÚ     MƠ   MÀNG TÓC   Đà  SƠ
DUYÊN ẤY  ĐINH  NINH  KHÔN LỖI HẸN
TÀI  NÀY   TRÂN TRỌNG KHÓ LÀM NGƠ
TÌNH TRONG TAO NGỘ HƯƠNG DẦN BÉN
MỆNH VẬN MỪNG AI DẬY TIẾNG THƠ

             Tháng Chạp năm Canh Dần – 23-1-2011
                   PHẠM KỲ NAM

                   Nhà nghiên cứu Hán Nôm
                   Tác giả Tinh tuyển 4000 hoành phi
                                          câu đối Việt Nam



Lời giới thiệu 4.
           
         Bạn đọc đã quen biết Lê Kim Giao như một nghệ sĩ đa tài từng hoạt động trên nhiều lĩnh vực Thi, Kỳ, Nhạc và đã có những thành tựu nhất định, thể hiện một trí tuệ sắc sảo và một tâm hồn mẫn cảm với CHÂN THIỆN MỸ .
Lần này anh trình làng một luận văn nhan đề
                THẦN LUẬT THƠ ĐƯỜNG .
Thần luật ấy được Lê Kim Giao khái quát trong bốn chữ:
                DUYÊN , TÀI , TÌNH , MỆNH.

          Độc giả có thể có những  ý kiến khác nhau về cách khái quát ấy. Riêng tôi, tôi đã trao đổi với tác giả hai điều băn khoăn của mình là:
1. DUYÊN, TÀI, TÌNH không phải là yêu cầu riêng của thành phần nào trong cấu trúc:
 ĐỀ, THỰC,  LUẬN, KẾT  của Thất Ngôn Bát Cú  mà là tiêu chuẩn chung cho tất cả Thơ Ca, thậm chí cho Văn Học Nghệ Thuật nói chung.
2. Còn MỆNH, xem ra không phải cùng một phạm trù với ba chữ trên, ghép vào đây e không chuẩn xác, dễ gây cảm giác  khập khiễng.
Tuy nhiên, cái khát khao tìm kiếm về lý luận của tác giả thật đáng trân trọng.

                                        PHAN VĂN CÁC .
                                         Giáo sư Tiến sĩ .                      
                                         Nguyên Viện trưởng Viện Hán Nôm.

Lời giới thiệu 5.

            Tôi biết Lê Kim Giao đã vài chục năm nay, qua các dòng thơ của anh trên báo, trong các tập   DỊU DÀNG - THƠ, THI KỲ SONG TUYỆT... đã in và nhiều kỷ niệm hoạt động văn học cùng anh.
        
              Lòng nhiệt tình, yêu văn học trong anh gây cho tôi niềm tin ở một cây bút tận tâm, có bản sắc.

Tập THẦN LUẬT THƠ ĐƯỜNG này  anh đã dốc rất nhiều tâm huyết, điều đó dễ ghi nhận  được , tuy nhiên vấn đề đặt ra khá lớn, khó định giải một sớm một chiều.
Tôi cho rằng cần có thời gian để đông đảo độc giả suy ngẫm.

         Nhưng tôi tin rằng sẽ có ích cho một số bạn yêu thích và đang thử viết thơ Đường.

Chỉ lưu ý một điều:
Thơ là một khái niệm tiên đề, ( không định nghĩa, không miêu tả...).
     Vậy không nên quá...tin vào một lý trí, thần luật cứng nhắc, bởi nếu không, các bài sẽ na ná như nhau, hẳn không phải điều Lê Kim Giao ao ước ...


               PHẠM PHÚ BẰNG 
                Tùy quân ký giả  
                    Xuân 2011


Lời giới thiệu 6.

THẦN LUẬT NỌ DẪU CHƯA TỚI MỘT ...
KIM  TÂM NÀY DƯỜNG ĐÃ BẰNG BA  !

 THÍCH TÙY DUYÊN  tặng Lê Kim Giao
Nhà sư gặp ở Chùa Tiêu





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét