Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

Lê Kim Giao – tên nghiện văn chương (Nguyễn Huy Thiệp)

Tôi đọc Lê Kim Giao luôn luôn bị cảm giác vừa sợ hãi, vừa thích thú, cả thương cảm, cả thán phục cứ lẫn lộn chen vào.
Lê Kim Giao là ai?
Lê Kim Giao xuất thân là một thanh niên thủ đô từng “hạ phóng” về nông thôn sắm vai một ông giáo quê mùa. Đấy là khoảng những năm 60-70 của thế kỷ trước. Y mơ mộng, yêu đời, “cầm kỳ thi họa” đủ mùi. Suốt ngày đêm, y quanh quẩn với những gương mặt, cảnh đời tỉnh lẻ “sầu muộn” và công việc dạy học đơn điệu. Tất cả những thứ như thế rất dễ đẩy người ta vào tình cảnh nghiện ngập.
Thời thơ ấu, tôi đã từng học một ông giáo như thế. Bấy giờ lớp học của chúng tôi đặt trong một ngôi chùa nhỏ trong làng Thạch Lỗi, cạnh một con ngòi nhỏ. Chúng tôi ngồi học ngay dưới chân hai pho tượng Kim Cương thiện, ác. Ông Thiện mặt trắng, tay cầm viên ngọc giơ lên ngang mặt. Ông ác mặt đỏ, tay cầm một thanh long đao chống xuống đất. Lớp học có chừng bốn chục học sinh. Tôi phải ngồi cạnh một con bé tên là Hạnh có bệnh hen, tứ thời cứ cò cử bên tai như kéo nhị. Dạy chúng tôi là một ông giáo tên là Bút, có khuôn mặt và bộ dạng giống hệt như Lê Kim Giao. Hàng ngày, thày Bút hành hạ bọn trẻ bằng cách giải những bài Toán hóc hiểm mà cả thày lẫn trò đều hiểu là vô bổ, vô tích sự. Một ngày đẹp trời, giữa hai giờ dạy, thày Bút bỗng quay ra đọc thơ và kể chuyện linh tinh. Thày giảng giải cái thú trong thơ Hồ Xuân Hương. Cũng có khi thày kể tỉ mỉ cái hay trong trò cờ tướng hoặc chọi gà. Lũ trẻ nhận ra một thày Bút khác: đúng là một gã oái oăm điên rồ, đáng yêu không tưởng tượng được.
Cuối năm ấy, chị cái Hạnh tên là Hòa ở tỉnh về, nghe nói bị “nhân tình” bỏ rơi. Cô Hòa có đôi mắt bồ câu rất lẳng. Mỗi khi lướt qua lớp học để đón cô em gái ho hen, cô Hòa lại đánh mông nhún nhảy khiến cho bọn con trai trong lớp chúng tôi tưởng như thót tim nghẹt thở. Với bọn trẻ nhà quê “nhân tình” hẳn là cái gì tàn khốc, vô đạo đức lắm. Thế rồi xảy ra chuyện gian díu giữa thày Bút và cô Hòa. Tất cả lớp học chúng tôi đều cảm thấy mình bị “phản bội”: đời thật cay đắng, chó chết! “Thầy gì, thầy bậy, thầy bạ! Cô gì, cô lốc, cô lô…” (Trần Tế Xương). Cuối năm học đó, đến nửa lớp học thi lại môn Toán.
Tôi không thể nào quên cách thầy Bút nói về cái hay trong văn chương. Văn chương! Chao ôi! Thật là tuyệt diệu! Từ Hải ư? “Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”! Nửa gánh gươm đàn kia là hệ lụy đấy, là tình tang, là giây phút bên người con gái ven hồ, dưới hồ là những đám bèo Nhật Bản “hãm tài” (chữ của Phan Thị Vàng Anh) với hai con vịt giời ngủ gà ngủ gật bơi đi bơi lại. Tiếng chuông chùa ở đâu vọng lại. Một viên sỏi rơi tõm xuống nước và ánh trăng “vỡ ra” (“vỡ ra” chứ không phải “lan ra”, “xáo động”).
Tiếc rằng thời gian tôi học thày Bút không lâu vì sau đó cha mẹ tôi chuyển nhà đi nơi ở khác. Mãi sau này, khi đã trở thành một nhà văn chuyên nghiệp, biết mọi vinh nhục ở trong trường văn trận bút cả trong nước lẫn nước ngoài, ngẫm lại tôi mới biết giá trị mà niềm đam mê văn chương của những người như thày Bút đã truyền cho.
Đọc Lê Kim Giao, không hiểu sao tôi lại nhớ đến thày Bút “người thày đầu tiên” ấy:
Người ta phải cảm ơn anh, người thày giáo nông thôn
Anh là người khai hóa…
Đây mới là kiến thức tinh khiết
Cho dù nó vừa thô sơ, vừa sai lầm, lại ấu trĩ nữa
Nó là a, b, c
Ơi anh giáo làng!
Anh phải làm việc với lũ ranh con thò lò mũi
Chúng không biết thế nào là tay phải, tay trái
Anh sẽ dạy chúng, phải không, sẽ dạy chúng:
Tay phải thì vung cao
Còn tay trái đặt lên trái tim…
Đọc Lê Kim Giao, tôi phát hiện ra một “tên nghiện văn chương” thực thụ! “Ôi đam mê! Người bạn đồng hành của tội lỗi và thăng hoa” (tôi không thích chữ “thăng hoa” mà Lê Kim Giao dùng nhưng thật quả khó tìm ra một chữ khác thế vào). Lê Kim Giao từng hiểu rõ những đường tơ, kẽ tóc của văn chương. Anh tỉ mỉ, kỹ lưỡng, kính trọng từng từ, từng âm vận, từng giai điệu, từng ý nghĩa trong một cấu trúc câu hoặc bài viết. Thế mới chết! Bởi văn chương trọng ở “chí”, ở “thần” chứ không phải ở “cấu trúc” (tôi muốn nói đến cái gì tựa như “phong độ”). Lê Kim Giao luôn luôn đụng vào những “tử địa” của văn chương: cách anh bình luận về cuộc “cờ người” của Hồ Xuân Hương hay tiếng đàn của Vương Thúy Kiều mà Nguyễn Du miêu tả là những ví dụ rõ rệt nhất. “Chủ đề” Lê Kim Giao lựa chọn thường “xương” quá! Trong văn chương và trong đời sống có những thứ chỉ “cảm giác” được chứ không “diễn nghĩa” được. Cách Lê Kim Giao viết về sông nước, thậm chí viết về “Trống hội Thăng Long” cũng thế (xin lỗi, tôi ghét cay ghét đắng bài “Trống hội Thăng Long”, một bài diễn xướng với những trống cái, trống con dung tục và lố bịch không tưởng tượng được!). Tuy nhiên trong văn chương Lê Kim Giao cũng có những đoạn văn xuất thần bậc thầy mà người viết văn nào cũng mơ ước:
“… và lúc ấy chỉ còn lương thực.
Chất ngổn ngang trong kho báu linh hồn”…
“Lương thực” ấy, cái chất liệu thực sự trong văn chương Lê Kim Giao là những bài thơ tình, là những trang viết về gà chọi, về cờ tướng mà người ta có thể khen quá lời lên là “kỳ bút”. Tôi chưa thấy ai ở ta viết về gà chọi được như Lê Kim Giao. Đúng là một tay sành điệu lăn lộn bên những xới gà!
Đọc Lê Kim Giao, tôi thích phần thơ hơn phần văn xuôi. Lê Kim Giao là người có tâm hồn thi sĩ. Để bước vào trường văn trận bút như một tay chuyên nghiệp thực sự thì chính tình trạng nghiện ngập văn chương đã làm hỏng anh. Một nhà văn chuyên nghiệp đòi hỏi những phẩm chất gì? Có dịp tôi sẽ nói về điều này kỹ hơn nhưng sự tỉnh táo với những “cạm bẫy văn chương” lại là yếu tố quan trọng nhất. Bạn thường thấy những tay đá bóng nghiệp dư nhiều khi say mê bóng đá hơn cả cầu thủ nhà nghề. Văn chương cũng thế! Yêu quá, trở nên nghiện ngập văn chương cũng rất dễ hại mình, hại người!
Tôi cũng muốn viết nhiều về Lê Kim Giao nhưng rất khó bởi những cảm giác mà tôi đã kể ở đầu bài viết này chi phối tôi. Lê Kim Giao có thể là “người thầy đầu tiên” cho những ai muốn theo nghiệp văn chương nhưng để trở nên một nhà văn chuyên nghiệp, quả thực cần tới một phép lạ: giống như thuở nào, Lê Kim Giao phải hồi sinh trở lại, “hạ phóng” về nông thôn, anh không “bình giảng” về người, về đàn địch mà viết về nó, không “bình giảng” về thơ Hồ Xuân Hương, về Nguyễn Du mà viết như họ.
Lê Kim Giao đã vẽ chân dung một con gà trống (một “cậu Dậu”) rất tài tình như sau:
“Đêm đen tối khổ
Mình ngươi ngẩng cổ kêu buồn
Mặt trời bừng tỏ
Mình ngươi vỗ cánh ca vang
Sống chẳng ngại ó, diều
Ăn chỉ mừng gọi bạn
Hẹn người quốc sĩ thật đúng giờ
Mong kẻ thôn dân thóc đầy bồ
Sống như ngươi thật đáng sống
ò – ó – o…
Ngươi làm thơ!
Lê Kim Giao: tên nghiện văn chương! Người làm thơ! Người quốc sĩ đến đúng giờ!
Giời ạ! Sao mà lắm hệ lụy thế?
Quốc sĩ với chẳng quốc si! Quốc sĩ sao sánh được với người thơ?
“Tôi ưa thích một điều xanh tươi hơn Định mệnh…”. Không ai chống nổi định mệnh đâu, Lê Kim Giao – chính anh cũng biết thế mà!
_______________
Phụ lục:
- Lê Kim Giao sinh năm quý Mùi 01/09/1943 ở Hà Nội,, xuất thân giáo viên toán phổ thông trung học.
Là người tổ chức , đặt tên cho CLB thơ Tràng An, anh là chủ nhiệm 8 năm,sau đó nghỉ, viết nhạc, sáng tác ra chương trình LÀNG CỜ, trên Truyền Hình VCTV3, VTV4, bản thân anh trực tiếp diễn xuất , gắn được các thế cờ hay với các bài thơ cổ kim nổi tiếng…ngay tuần này, tháng 7 – 2009 vẫn đang phát ( vào tối thứ hai )
- Hai bài thơ của Lê Kim Giao mà Nguyễn Huy Thiệp thích:
TỰ TRÀO
Cờ cao, nước cản sạch,
Võ miệng, hòa tứ phương.
Tính tang, đàn sai phách,
Văn vẻ… nước canh xuông.
Ngày dăm lần vợ giận,
Đêm vài bận thơ vương.
Mẹ cha nghìn ngán ngẩm,
Anh em triệu chán chường…
Thơ dối mình đau ruột,
Thơ thực: báo chê xương!
Cải nào chả là cải
Thôi thì ngâm: cải… lương!
Vạc liều dăm nhát tượng,
Con cháu nhớ treo tường.
NĂM HỢI
Theo sau thím Tuất dáng thong dong,
Ủn ỉn quanh năm chốn hậu phòng.
Tấm cám đã cam tình nước lửa,
Bèo rau đâu quản tiết thu đông.
Ngại quyền tránh kẻ tìm khoanh cổ,
Ngóng bạn mời ai nếm tấc lòng.
Tranh Tết tươi cười xanh lộn đỏ,
Gặp Xuân là hết kiếp long đong…
(Bài này của Nguyễn Huy Thiệp đăng lần đầu trên báo Tiền Phong, tác giả ký bút danh.)
———————————————————————–
VÀ SAU ĐÂY LÀ MỘT VÀI Ý KIẾN CỦA NHÀ THƠ LÊ KIM GIAO:

Thưa quý bạn đọc
Đầu tiên Lê Kim Giao tôi xin được cảm ơn nhà văn nổi tiếng Nguyễn Huy Thiệp đã ưu ái viết cho những dòng trên, dùng để làm lời tựa cho tuyển tập Dịu dàng – Thơ mà tôi đã in năm 2002…
Anh đưa bài in ở Báo Tiền Phong ( các báo rất thích in bài của anh)…rồi trong tập Giăng lưới bắt chim , được giải Hội nhà Văn Việt Nam …
Tôi hoàn toàn tin anh đã viết rất chân thành
Sáu năm sau, khi gặp anh , tôi hỏi anh có ân hận gì khi viết những dòng đó không thì anh vẫn cười hiền , coi đó là một bài viết mà anh thích thú
Về bài viết, các chi tiết văn chương đều rất thú vị, cách kể của anh rất…hoành tráng và gợi cảm, điều đó làm tôi được …thơm lây, và có điều lạ là sau đó chưa có ( không có…?!) một nhà phê bình nào động một dòng đến tuyển tập của tôi…
Chỉ có một điều tôi cần nói lại, nó là sự khác biệt giữa Lê Kim Giao- một nhà thơ – và Nguyễn Huy Thiệp- một nhà văn- đó chính là đoạn quan điểm về chỗ đứng của người viết
Những cạm bẫy văn chương , được hiểu như quá khó cần phải tránh ?? thì đó không phải quan điểm của tôi
Tôi cho rằng cần đứng vào chỗ nóng nhất ( mà anh chàng sáng tác ) chịu nổi …có như vậy khi viết ra rồi mới không bao giờ còn ân hận, tiếc rẻ đã không viết hết tầm, hoặc đành để lại trong…di cảo ( như rất nhiều người đang làm lúc kết thúc cuộc đời…!)….Những cái khó với nhà văn này có thể là dễ với nhà văn kia, sợi dây căng ngang khu nhà cao tầng cho anh làm xiếc A . đi qua lại là quá thấp với anh chàng B. bắc sợi dây qua 2 đỉnh núi…( vấn đề là tài năng của anh đến đâu…?)
Khi run sợ trước các đề tài khó , chắc chắn là điều sai lầm nguy hiểm , và khi ta khuyên lớp trẻ cầm bút né tránh cái nọ, cái kia…càng sai lầm hơn…

Đừng hèn như vậy, may ra ta mới có thêm các cây bút gai góc và tài ba như…Nguyễn Huy Thiệp chứ ??!!.

Gần đây anh Thiệp bị yếu, mệt, bệnh tim đã làm anh mệt mỏi, cả với văn chương…’’ Ông tha cho tôi chuyện văn chương ..!”
Những dòng này xin gửi đến anh lời cầu chúc mau khỏe trở lại cả thể xác lẫn tinh thần, sáng tác tiếp , ngay lúc khó khăn này, những dòng tuyệt nhất … Đó chính là tấm gương sáng nhất mà chúng tôi đang mong đợi
( Tôi chợt thấy nhớ nhà thơ Đồng Đức Bốn một tháng trước khi mất đã hăm hở viết mấy chục bài tuyệt bút khiến tôi còn cảm động đến tận bây giờ )….
Hà Nội ngày 14 tháng 7 năm 2009
LÊ KIM GIAO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét